Vấn đề đau khổ

Chị nói với tôi: “Em có một khả năng lớn lao để chịu đau khổ, nhưng lại rất ít khả năng để vui mừng. Em không thể chịu nỗi sự vui mừng! Vì thế, vui mừng đã làm em hết ăn ngon. Nhưng khi càng đau khổ nhiều, em ăn ngon gấp bốn, thật ngược đời!”.

Mặc dầu muốn tử đạo, Chị Têrêsa không tìm kiếm đau khổ vì đau khổ, mà Chị yêu đau khổ vì nó là phương tiện thể hiện tình Chị yêu mến Chúa Giêsu. Cũng như Thầy Chí Thánh muốn chịu rửa bằng máu để chứng tỏ lòng Ngài thương ta, nhưng theo bản tính nhân loại thì Ngài càng thấy ngại ngùng sợ hãi.

Lại nữa, khi tỏ bày với Chúa ước vọng muốn chịu đau khổ vì Ngài, Chị luôn kèm theo lời nguyện là tuân theo thánh ý Chúa quan phòng về Chị. Những ngày cuối đời, tâm tình hoàn toàn phó thác theo ý Chúa đã ảnh hưởng mãnh liệt tới nỗi làm Chị thốt lên:

“Em không ước muốn chịu đau khổ cũng như chết chóc nhưng em vẫn yêu quý cả hai. Lúc này chỉ còn lòng phó thác hướng dẫn em, ngoài việc xin thánh ý Chúa thực hiện trọn vẹn trên em, thì em không biết nguyện cầu gì khác nữa”103.

Đừng xin an ủi

Chị hãm mình bên trong mạnh mẽ tới nỗi không bao giờ Chị xin Chúa lấy một chút an ủi. Đây là một chi tiết làm nổi bật vấn đề Chị khuyên tôi.
Khi mới vào tu viện, tôi chiến đấu mà luôn thấy thất bại, thành công thì ít, thất vọng lại như gần kề. Những lời Chị khuyên rất khôn ngoan tuy đi sâu vào tâm hồn, nhưng tôi càng thấy thấm thía bao nhiêu thì lại càng đau khổ vì không thực hiện được bấy nhiêu! Tôi tự nhủ: “Không, không bao giờ tôi đi tới cùng được, thôi, thà chịu nhỏ bé trên thiên đàng còn hơn. Tôi không thể tiến thêm!”. Trong tình cảnh phức tạp đó, tôi xin Đức Trinh Nữ thương cho tôi chút an ủi hay chỉ một giấc mộng cũng đủ. Và Đức Mẹ đã nhậm lời tôi. Khi ngủ, tôi thấy mình nức nở khóc ở ngoài sân. Lòng trào lên niềm khắc khoải lo âu. Tôi ngước nhìn lên và bầu trời trải rộng thênh thang trước mắt, chung quanh tôi những đám mây nhỏ lững lờ trôi theo dòng gió mát. Những triều thiên bay cuộn vào nhau thật giống một vòng hào quang được điểm trên vì sao sáng. Có hàng ngàn vì sao khác, thực là những đám hàng hà sa số!… Những đám mây dần dần tan biến phía cuối chân trời, và cứ thế tôi lại khám phá ra những áng mây hồng khác.

Nhịp thở dồn mạnh, hồi hộp, nước mắt khô ráo, tôi thấy chân trời đỏ rực, đỏ như máu và màu đỏ này lên, lên mãi. Lúc đó tôi nghĩ rằng mình làm việc không phải vì mình, nhưng là để làm đẹp lòng Chúa và để cứu rỗi các linh hồn… Chiếm nước thiên đàng phải là để dành cho những người tội lỗi, như người mẹ sinh con trong đau khổ, tôi cũng phải chịu nhiều đau khổ để sinh ra các linh hồn.

Tâm hồn mở rộng, tôi khoan khoái vô cùng trước nhiệm vụ cao đẹp tuyệt vời đó. Tôi sung sướng quá liền kể lại giấc mơ đầy khích lệ trên cho Chị nghe. Chị hăng hái bảo tôi: “A! Đó là điều em sẽ không bao giờ làm!… Xin được an ủi! Chị muốn nên giống em thì chị biết rõ là em, em chỉ nguyện cầu:

‘Ôi! Lạy Chúa, xin đừng sợ là con đánh thức Chúa. Trong an vui con đợi chờ Nước Chúa, Thiên Đàng104. Êm dịu dường nào được phụng sự Chúa trong màn đêm thử thách, Ở đời này ta chỉ sống bằng đức tin thôi!…’”.

“Quả thật Chúa ngủ”

Trong cơn bệnh cuối cùng Chị không được nếm lấy một chút an ủi. Một lần sau khi chịu lễ, Chị nói với chúng tôi: “Thật đúng như khi người ta đặt hai trẻ sống chung, chúng chẳng nói với nhau nửa lời. Tuy thế em đã nói đôi điều nhỏ mọn với Chúa Giêsu, nhưng Ngài không trả lời: Quả thật Chúa đang ngủ!”.

Đừng để ai thương xót mình

Một ngày phải giặt giũ, tôi phàn nàn là nhọc mệt hơn các chị em khác, vì ngoài việc chung tôi còn làm thêm công việc mà người khác không biết. Chị trả lời: “Em muốn thấy chị luôn can trường như một dũng sĩ, không phàn nàn vì khó nhọc, coi thương tích như những vết trầy da, luôn muốn xoa dịu đau khổ cho kẻ khác và thấy đau khổ của họ tuy bé nhỏ hơn của mình, lại đáng kể hơn”. Rồi Chị làm tôi phải thú nhận rằng: vì không được người khác hiểu biết nên tôi thấy mệt mỏi hơn. “Tại sao ta không đủ can đảm? Chỉ vì không có ai thương xót ta. Khi có người nói với một nữ tu: ‘Chị mệt rồi đấy, chị đi nghỉ đi’. Tức khắc chị ấy thấy bớt mệt. Ai cũng muốn kẻ khác biết mình đau khổ. Thánh nữ Margarita Maria có hai nhọt, nhưng chỉ thấy cái nhọt thứ nhất đau, vì người ta đã biết đến cái nhọt thứ hai và các nữ tu khác đã thương hại Thánh nữ vì cái nhọt đó rồi.

Khi có người thông cảm, chị hãy nhận đó như một sự an ủi, nhưng nếu người ta không nói gì, chị cũng hãy vui mừng. Ở vào trường hợp chị, em thích người ta không an ủi em gì và em lấy thế làm hài lòng. Được tất cả hay không được gì, nghĩa là hoặc đau khổ càng nhiều thì tha nhân càng phải xót thương hoặc hoàn toàn bị quên lãng! Và để tha nhân hoàn toàn quên chị, thì chị hãy tiếp tay giúp họ. Hãy làm thế nào cho mọi người chú ý tới đau khổ của kẻ khác để họ được an ủi và chia buồn nhiều hơn chị”.

 

Chúa nhật và ngày lễ

Tôi còn lưu ý Chị một điều là công viện vụn vặt không cho tôi có giờ rỗi trong ngày Chúa nhật và ngày nghỉ. Chị trả lời:

- Chị có biết Chúa nhật và ngày lễ của em là ngày nào không? Là những hôm em bị quấy rầy hơn những ngày khác.